Cá Axolotl có lẽ là loài cá đặc biệt nhất từ trước đến giờ trong số các loại cá mà Cá Cảnh As đã chia sẻ. Cũng chính vì nó đặc biệt mà có rất nhiều anh em đang tìm hiểu và nuôi để tăng thêm sự độc lạ cho bể cá. Nếu lần đầu tiên nhìn thấy Cá Axolotl chắc chắn bạn sẽ thấy bất ngờ trước vẻ đẹp của con vật 4 chân sống dưới nước này.
Bài viết này Cá Cảnh As xin chia sẻ những thông tin quan trọng, hữu ích giúp bạn hiểu hơn cũng như có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc Cá Axolotl.
Tổng quan Cá Axolotl
Axolotl có nguồn gốc từ đâu
Cá Axolotl hay còn được biết với cái tên Kỳ giông Mexico hay cá Khủng long 6 sừng, tên khoa học của chúng là Ambystoma mexicanum. Axolotl lần đầu tiên được phát hiện tại các con sông tại thành phố Mexico cụ thể là hồ Chalco và Xochimilco.
Hiện nay trong môi trường tự nhiên tại nơi lần đầu được phát hiện, loài cá Axolotl gần như đã tuyệt chủng. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là sự có mặt của các loài cá săn mồi to lớn thuộc giống cá rô phi và điều kiện môi trường sống bị ô nhiễm.
Từ khi được phát hiện, Axolotl đã được giới khoa học đặc biệt quan tâm và được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu khoa học bỡi đặc điểm tái tạo tứ chi (khả năng tự mọc lại của chi). Và cho đến hiện nay kỳ giông Axolotl vẫn là một loại thức ăn của một bộ phận người Aztec.
Đặc điểm ngoại hình của Axolotl
Được biết đến với cá tên là “Cá” nhưng thực chất Axolotl vẫn là một loài lưỡng cư. Nhưng chúng khác với các loài lưỡng cư khác là trong suốt quá trình phát triển, Axolotl không hề biến đổi về ngoại hình, phổi không phát triển mà vẫn có mang và chủ yếu sống dưới nước.
Dễ nhận ra sự khác biệt giữ Axolotl và các loài cá bình thường khác là ngoại hình nó là một loài bò sát và việc di chuyển chủ yếu bằng 4 chân. 2 mắt hướng về phí trước trong khi các loài cá khác thì mắt nằm 2 bên. 6 chiếc sừng ngay đầu màu hồng chính là phần mang để cá hấp thụ oxy dưới nước.
Phần lưng và dọc đuôi có mảng vây mọc liền mạch giúp Axolotl có thể dễ dàng lướt, bơi trong nước. Con trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng 20-30cm, cân nặng tầm 50-110g. Trong môi trường tự nhiên Axolotl có tuổi thọ lên đến 15 năm, trong môi trường nuôi nhốt cá sống được khoảng 3-5 năm.
Môi trường lý tưởng cho Cá Axolotl
Môi trường nước | Sạch sẽ, yên tĩnh |
Nhiệt độ | 18-23 độ C |
Độ pH | 7,4-7,6 |
Độ cứng nước | 7–14° |
Chiều dài tối đa của Axolotl chỉ khoảng 30cm, vì vậy tùy vào số lượng cá mà bạn chọn bể phù hợp, đủ không gian cho nó di chuyển. Không gian quá tù túng có thể làm chúng bị căn thẳng.
Bên trong bể cần trồng những loại cây thủy sinh thân mềm, hốc đá làm nơi ẩn nấp cho Axolotl. Nếu chỉ nuôi riêng cá khủng long 6 sừng này thì bạn có thể không cần trang bị bộ lọc nước hoặc trang bị bộ lọc nước có công suất vừa phải, không quá lớn. Vì bất cứ tác động nào làm dòng nước trong bể chảy quá mạnh cũng có thể làm cá Axolotl bị hoảng loạn, căng thẳng.
Trong trường hợp nuôi chung với một số loài cá khác, bắt buộc phải trang bị bộ lọc lớn thì bạn nên trồng các loại cây thủy sinh thân cao, dày, trang bị lũa, đá để cản bớt dòng chảy nước. Giúp Axolotl có chỗ ẩn náu đồng thời không bị dòng nước ảnh hưởng.
Axolotl rất hay nuốt các loại sỏi đá trong quá trình ăn (không biết bị ngáo hay do sở thích nó như vậy) nhiều trường hợp gây chết con ngáo Axolotl này luôn do bị nghẽn đường ruột. Vì vậy trang trí đáy bể cần sử dụng sỏi đá lớn (để Axolotl không thể ăn) phủ kín đất nền.
Mặc dù là loài lưỡng như nhưng con Axolotl thuộc dạng “biến thái” phổi không phát triển, thở dưới nước, lâu lâu mới ngoi lên bề mặt nước chơi. Vì vậy nước trong bể phải ngập hẳn cá, tối thiểu 15cm, bề mặt nước cách xa miệng bể hoặc trang bị lưới mềm che bể lại. Tránh trường hợp cá khủng long Axolotl có thể nhảy ra ngoài, đương nhiên ra ngoài khô da, không thở được là chết.
Trong tự nhiên cá Axolotl chủ yếu ẩn nấp, sống môi trường thiếu ánh sáng nên thị giác kém phát triển. Vì vậy trong môi trường bể thủy sinh bạn có thể trang bị ánh sáng vừa đủ cho cây thủy sinh phát triển, không cần quá quan tâm đến ánh sáng cho mấy con ngáo Axolotl.
Cá Axolotl ăn gì
Axolotl là loài ăn thịt sống, vì vậy tất cả các loại thức ăn cho cá dạng tươi chúng đều ăn được và tùy vào kích cỡ cá (giai đoạn phát triển) mà chọn loại thức ăn phù hợp.
Khi cá Axolotl còn nhỏ có thể cho chúng ăn các loại trùng chỉ, trùng quế, lăng quăng. Khi nó đã phát triển trưởng thành, cho ăn các loại cá mồi, tôm tép, thịt bò, tim bò,… Trong trường hợp không có thức ăn tươi, bạn cũng có thể cho ăn các loại thức ăn cho cá dạng khô, viên.
Lưu ý nếu cho Axolotl ăn các loài giáp sát cứng thì nên bóc vỏ vì có thể làm tổn thương đến đường tiêu hóa của cá (như thực quản, dạ dày,…)
Nuôi Axolotl cung với cá nào
Axolotl nó có thể ăn bất cứ loài cá nhỏ nào khác, miễn là vừa miệng với nó. Vì vậy lời khuyên chân thành nếu đã chơi Axolotl thì bạn nên nuôi chỉ 1 loài này, trong một bể nên nuôi 2-5 con tùy vào kích thước bể. Nếu nuôi 2 con là nên nuôi chung 1 giới tính để tránh chúng sinh sản làm giảm tuổi thọ cá (đương nhiên muốn sinh sản thì nuôi 1 con đực và 1 con cái).
Trong trường hợp còn nuôi chung với các loài cá khác thì bạn nên chọn các loài cá rẻ tiền, bơi khỏe, sống ở tần giữa hoặc tầng trên. Ví dụ như cá mún hay cá bình tích, cá neon,… những loài cá này có thể dễ dàng tránh sự săn mồi của Axolotl, còn trong trường hợp xấu nhất bị ăn thịt thì cũng không tiếc.
Không nên nuôi Axolotl chung với các loại cá dọn bể nhé, vì Axolotl sẽ bị các loài cá dọn bể hút nhớt và dần dần yếu sức chết đi.
Cá Axolotl sinh sản
Độ tuổi sinh sản trung bình của Axolotl là khoảng 9 tháng tuổi với con đực và 12 tháng tuổi đối với con cái. Để có thể chọn được con đực và cái chính xác thì nên nuôi chung 1 lứa để khi những con cá khủng long 6 sừng Axolotl này lớn lên cùng độ tuổi chúng ta sẽ dễ nhận biết được giới tính.
Cách phân biệt Axolotl đực và cái
Về ngoại hình của Axolotl đực và cái tương đồng nhau, và có 2 đặc điểm để bạn nhận ra con đực và cái. Nhìn vào bụng dưới 2 chi sau sẽ thấy bụng và cơ quan sinh dục của con đực và cái lộ rõ ra.
- Ở phía sau chân con đực nhô lên một cục u to nhìn thấy khá rõ, torng khi ở con cái nhô lên rất nhỏ hầu như không thấy.
- Bụng của con đực thon, nhỏ; trong khi bụng con cái to tròn (chứa trứng). Nhìn tổng quan 2 con thì con mái có phần bụng mập hơn hẳn so với con đực.
Cho Axolotl sinh sản
Vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau là mùa sinh sản của Axolotl. Vớt con đực và cái ra một bể riêng, trong bể cần lót đá to, hốc cây (đá), lũa để chúng tự tìm kếm nơi làm tổ lý tưởng.
Trong khoảng 1 tuần Axolotl đực và cái bắt đầu quen và giao phối trong. Con cái sẽ tìm và đẻ trứng lên những nơi mà chúng thấy ok như lá thủy sinh, hốc đá, thân lũa,… Lưu ý bể nên đặt ở nơi có ánh sáng hơn bình thường, điều này kích thích cá ráp cặp, giao phối.
Sau khi cá Axolotl đã đẻ trứng xong, vớt con trống và mái ra tránh cá ăn trứng. Chúng ta có thể tự chăm sóc cho trứng nở ra thành con con. Trong quá trình này bạn chỉ cần quan tâm đến chất lượng nước, đảm bảo nước luôn sạch không bị rêu báo là ok.
Thức ăn cho cá Axolotl con là ấu trùng, bobo, trùng quế. Nói chung là những loại thức ăn nhỏ vừa miệng cá. Để giúp các bạn dễ hình dung hơn, dưới đây là video Axolotl dực ve vãn con cái và quá trình con cái đẻ trứng.
Giá bán Axolotl
Những con Axolotl bình thường có giá giao động tầm 500k – 800k/con trưởng thành. Với những con con nhỏ hơn, khoảng 1-3 tháng tuổi thì mức giá giao động khoảng 150k – 250k/con. Với những con hiếm hơn (màu sắc độc đáo) giá có thể hơn 1 triệu/con.
Lời kết
Hy vọng những chia sẻ chi tiết bên trên về Axolotl đã giúp bạn có thêm cái nhìn tổng quát hơn về giống cá khủng long 6 sừng 4 chân kỳ quái này. Nếu đã quá chán với các giống cá không cân thông thường thì có thể thử chơi mấy con cá ngáo lưỡng cư Axolotl thử. Có thể chúng sẽ mang lại một cảm giác mới lại trong thú vui chơi cá cảnh. Chúc các bạn thành công.